Hướng dẫn cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn đúng cách

Với người lần đầu làm ba mẹ, việc đóng bỉm cho em bé mới sinh còn chưa rụng rốn đôi khi cảm thấy “run tay” vì sợ chạm vào rốn khiến bé đau hoặc khó chịu. Tuy nhiên việc này sẽ không quá khó nếu ba mẹ biết cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn dưới đây. Nếu bạn còn lo lắng thì hãy xem ngay và áp dụng để yên tâm hơn khi chăm sóc thiên thần nhỏ nhé.

Các bước đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Cơ thể bé con sau khi sinh vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là các bé chưa rụng rốn. Khi thay tã bỉm cho bé cha mẹ cần thực hiện khéo léo để đảm bảo an toàn cho khu vực cuống rốn và phần da xung quanh.

Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn cần được cha mẹ thay tã bỉm đúng cách
Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn cần được cha mẹ thay tã bỉm đúng cách

Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết để bạn dễ tham khảo, áp dụng chính xác nhằm vệ sinh đúng cách cho con em mình, cụ thể:

Bước 1

Đầu tiên cha mẹ cần vệ sinh tay của mình thật sạch, lau khô. Sau đó bạn hãy chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như vải lót, nước ấm, khăn sạch, tăm bông, giấy khô, kem chống hăm và khăn giấy ướt. Các vật dụng này cần sắp xếp tại vị trí gần với tầm tay của bạn để phục vụ, hỗ trợ trong quá trình thay tã bỉm cho bé con được tiện lợi hơn nhé.

Bước 2

Sau khi đã chuẩn bị xong đồ đạc cần thiết. Lúc này bạn cần trò chuyện, cưng nựng để trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Song song đó bạn hãy nhẹ nhàng nhấc 2 chân bé lên rồi cởi bỏ bỉm bẩn.

Bạn lấy góc bỉm còn sạch để lau qua vùng da bám nước tiểu và phân cho bé. Dùng tay gấp gọn bỉm bẩn lại, sau đó đặt tại vị trí xa tầm với của trẻ hoặc cho vào thùng rác, túi nilon.

Tháo bỏ tã bỉm bẩn cho trẻ
Tháo bỏ tã bỉm bẩn cho trẻ

Bước 3

Đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, bạn cần thấm nước sạch hoặc cồn vào bông tăm để lau sạch vùng rốn. Dùng khăn khô thấm, tuyệt đối không để khu vực rốn của bé bị ướt. Sau đó tiếp tục thực hiện các bước làm sạch, bé trai và bé gái có đặc điểm vùng kín khác biệt nên bạn cần vệ sinh có chút khác biệt. Cụ thể như sau:

  • Đối với bé trai: Bạn dùng khăn ướt phủ lên vùng kín của trẻ để hạn chế việc bé tè ngược lên trên, hạn chế rơi vào rốn rồi nhiễm trùng. Sau đó dùng thêm 1 chiếc khăn ướt hoặc khăn thấm nước ấm để lau sạch sẽ “vùng kín” và phần mông.
  • Đối với bé gái: Bạn vẫn dùng khăn ướt hoặc khăn thấm nước ấm để lau từ trước ra sau nhằm đảm bảo sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn cho trẻ. Gấp khăn lại, dùng mặt khăn sạch còn lại để lau tiếp phần kẽ, nếp gấp và mông của bé.
Cha mẹ cần khẽ khàng làm sạch vùng da quanh cuống rốn cho bé
Cha mẹ cần khẽ khàng làm sạch vùng da quanh cuống rốn cho bé

Bước 4

Vệ sinh sạch sẽ cho bé con xong, bạn cần thoa một lớp kem chống hăm mỏng sau đó đợi bề mặt da của trẻ khô hẳn. Tiến hành đóng bỉm mới cho bé, chú ý gập phần lưng của tã bỉm xuống nhằm để hở phần rốn ra ngoài. Bạn căn chỉnh làm sao để tã bỉm tránh cọ xát vào rốn nhất có thể. Điều này sẽ giúp cuống rốn thoáng đãng, nhanh khô và ít khi bị nhiễm trùng.

Một số lưu ý khi đóng bỉm cho trẻ chưa rụng rốn

Cha mẹ hãy chú ý thật kỹ và ghi nhớ thêm một số điều quan trọng để đóng bỉm cho trẻ chưa rụng rốn được an toàn hơn nhé. Cụ thể như sau:

  • Không để nước tiểu hoặc phân dính vào phần cuống rốn chưa rụng của trẻ.
  • Người lớn không được chạm trực tiếp vào rốn bé (chỉ dùng bông tăm để làm sạch).
  • Lựa chọn miếng tã lót, tã dán,… có phần eo và đùi co giãn được sản xuất bởi các thương hiệu an toàn, thân thiện với làn da bé
  • Hạn chế để chất liệu của tã bỉm chạm vào khu vực quanh rốn.
  • Định kỳ thay tã bỉm cho trẻ 2 – 4 tiếng/lần.
  • Trước và sau khi thay tã bỉm cho trẻ, người lớn cần làm sạch tay sạch sẽ.
  • Mặc quần áo thông thoáng, khô ráo cho bé.
  • Phần cuống rốn của bé nhạy cảm, nên để tự rụng, không được cạy.
  • Thường xuyên vệ sinh rốn nhẹ nhàng, không được băng kín, để càng thoáng càng tốt.
  • Lựa chọn quần áo, tã bỉm,… có kích cỡ phù hợp, chất liệu không quá dày để hạn chế hầm bí, giúp bé thấy thoải mái.
  • Kiểm tra cuống rốn của trẻ thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để chữa trị thật kịp thời.
Cha mẹ thay tã bỉm cần chú ý để tránh nhiễm trùng vùng rốn cho bé sơ sinh chưa rụng rốn
Cha mẹ thay tã bỉm cần chú ý để tránh nhiễm trùng vùng rốn cho bé sơ sinh chưa rụng rốn

Lời kết

Cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn thực ra khá đơn giản, chỉ khác biệt về bước làm sạch và đóng bỉm làm sao để hở khu vực quanh rốn mà thôi. Hy vọng nội dung bài viết hôm nay của Mamogom sẽ giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc bé yêu nhà mình một cách đúng đắn nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Messenger