Việc đánh giá tình trạng chậm nói của trẻ là một thách thức đối với rất nhiều các bậc phụ huynh. Cha mẹ không thể biết liệu trẻ chậm nói chỉ là tạm thời hay đây là một vấn đề về bệnh lý nghiêm trọng của trẻ. Để giúp phụ huynh nắm bắt được các dấu hiệu báo động tình trạng chậm nói của trẻ thì việc trang bị kiến thức là điều vô cùng cần thiết; từ đó đưa ra được quyết định chính xác hơn xong việc hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ của trẻ một cách tốt nhất.
Thế nào là chậm nói ở trẻ?
Lời nói là một hình thức giao tiếp bằng ngôn từ và âm thanh, bao gồm ba yếu tố chính: phát âm, giọng nói và sự lưu loát. Rối loạn lời nói xảy ra khi trẻ có khả năng phát âm nhưng người nghe không hiểu được ý nghĩa của lời trẻ nói, ví dụ như trẻ bị nói lắp hoặc nói ngọng.
Ngôn ngữ là một phương tiện truyền tải thông tin và được biểu hiện thông qua lời nói hoặc hành động (ngôn ngữ cơ thể hoặc tín hiệu). Đây là một chỉ tiêu để đánh giá trí thông minh, vì vậy rối loạn phát triển ngôn ngữ thường nghiêm trọng hơn so với rối loạn lời nói.
Chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói là một trường hợp phát triển ngôn ngữ không bình thường. Đây là loại rối loạn phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm tỉ lệ lớn hơn so với các loại rối loạn khác như chậm phát triển thị lực, vận động, nhận thức, kỹ năng xã hội và cảm xúc.
Chậm phát triển ngôn ngữ hoặc chậm nói ở trẻ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển đúng trình tự bình thường, nhưng tốc độ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm nói
Phụ huynh nên quan sát và theo dõi khả năng truyền đạt thông tin của trẻ ngay từ bé và có thể phát hiện trẻ có chậm nói hay không qua một số biểu hiện dưới đây:
Trẻ từ 3-4 tháng tuổi
- Trẻ không có phản ứng với tiếng động mạnh
- Trẻ không phát ra âm thanh gừ gừ
- Hoặc cũng có thể là trẻ bắt đầu gừ gừ nhưng không thể bắt chước các âm thanh khác
Trẻ 7 tháng tuổi
- Biểu hiện cảnh báo đáng tin cậy nhất có thể là không có phản ứng với tiếng động
Trẻ 12 tháng tuổi
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác (trong khi các em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, lời nói hay cử chỉ); kể cả những lúc trẻ cần sự trợ giúp hay mong muốn điều gì đó.
- Trẻ không biết nói bất kỳ một từ nào; có thể kể đến như một số từ đơn giản trẻ thường được nghe như gọi “bố”, “mẹ” hay “ông”, bà”,…
- Không bi bô, không phát ra các phụ âm
- Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vãy tay, lắc đầu hoặc chỉ tay
- Trẻ không có phản ứng khi được gọi đúng tên
- Không hiểu và không có phản ứng với các từ đơn giản như: “chào hỏi”, “bai bai”
Trẻ 16 tháng tuổi
- Trẻ vẫn chưa hiểu và không có phản ứng với những từ đơn giản như: “không”, “dậy nào”,..
- Không thể nói bất kỳ một từ ngữ nào
- Không biết chỉ vào đồ vật hay bức tranh ở trước mặt khi được hỏi. Ví dụ như cha mẹ hỏi một vật gì đó đang ở đâu.
- Trẻ không biết chỉ vào vật mình thích.
Trẻ 18 tháng tuổi
- Trẻ không thể chỉ vào các bộ phận cơ thể khi được người lớn hỏi
- Trẻ chưa thể nói 6 từ ngữ bất kỳ
- Trẻ không thể hoặc không có ý định muốn giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi trẻ cần sự giúp đỡ.
- Không biết chỉ vào những đồ mình muốn
- Vẫn chưa nói được các từ đơn giản như “bế” và “mẹ”
- Không đáp lại bằng lời nói hay cử chỉ khi được ba mẹ hoặc người thân hỏi “cái gì đây”,…
Trẻ từ 19-23 tháng tuổi
- Vốn từ ngữ tăng chậm ( không thể đạt 1 từ mỗi tuần)
Trẻ chậm nói đơn thuần có biểu hiện gì?
Theo các thống kê nghiên cứu, khoảng 1/5 số trẻ em gặp phải tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ hoặc khó sử dụng từ ngữ so với các bạn cùng tuổi. Những đứa trẻ này có thể trở nên nổi cáu và khó kiểm soát hành vi vì không thể diễn đạt suy nghĩ của mình.
Tuy nhiên, trẻ chậm nói đôi khi chỉ là tạm thời và có thể được cải thiện nếu có sự hỗ trợ của gia đình. Cha mẹ cần dành thời gian để tương tác với con, đọc sách và trò chuyện cùng con.
Nếu trẻ chậm nói không được cải thiện sau một thời gian dài hoặc có những dấu hiệu khác, có thể cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế. Việc chậm phát triển ngôn ngữ có thể là biểu hiện của những vấn đề nghiêm trọng như mất thính lực, chậm phát triển ở các lĩnh vực khác, hoặc bệnh tự kỷ. Điều này cũng có thể là dấu hiệu của khó học và chỉ có thể được chẩn đoán khi trẻ đến độ tuổi đi học.
Khi trẻ có các biểu hiện chậm nói như trên, cha mẹ nên bắt đầu kiểm tra khả năng nghe của con trước tiên. Ngay cả khi trẻ có vẻ nghe tốt, không nên bỏ qua kiểm tra vì đa số trẻ em dựa vào hình ảnh và cử chỉ của người lớn để đoán biết. Khiếm khuyết về khả năng nghe cần được phát hiện và điều trị ngay để trẻ không bị tổn thương về khả năng ngôn ngữ. Cha mẹ không nên chờ đợi và hy vọng rằng trẻ sẽ vượt qua khiếm khuyết một cách tự nhiên. Nếu có nghi ngờ về phát triển ngôn ngữ của con, cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ hiệu quả.
Bài viết trên đã cung cấp cho ba mẹ và gia đình một số thông tin cần thiết liên quan đến việc trẻ chậm nói. Hy vọng qua bài viết này, gia đình có thể có được những kinh nghiệm hữu ích để nhận biết tình trạng của bé.